Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200.000 người mắc bệnh ung thư
Bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội và kinh tế Việt Nam khi người mắc ung thư đang gia tăng. Trong khi đó chi phí điều trị cho căn bệnh nan y này lại vô cùng tốn kém.
Tại hội thảo Hợp tác đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, ung thư là bệnh hiểm nghèo đã và đang cướp đi cuộc sống của rất nhiều người, trong đó có cả trẻ nhỏ. Bệnh trở thành nỗi ám ảnh của mọi người, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền, không kể giàu nghèo. Hiện xu hướng mắc bệnh ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới.
“Ung thư là gánh nặng nhiều gia đình phải gánh vác, thời gian điều trị dài, số tiền lớn không có khả năng chi trả. Một số người phải bỏ dở liệu trình điều trị, nhiều em nhỏ không thể tiếp tục chạy chữa do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ.
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. (Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống)
Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2012 toàn thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm.
Không chỉ có số người ung thư đang gia tăng mà việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém và là gánh nặng lớn cho nhiều người. Theo các kết quả từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George về chi phí điều trị ung thư tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, 55% bệnh nhân ung thư tử vong trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh hoặc gặp phải hệ lụy tài chính.
Trong đó đáng chú ý có tới 31% trường hợp gặp hệ lụy tài chính, 24% trường hợp tử vong, 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị. Hơn nữa, hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện và chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, trong đó 5% được chẩn đoán ở giai đoạn I và 19% ở giai đoạn II.
Qua phân tích dữ liệu 1.916 bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (604 trường hợp), BV K (688), BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh (624), kết quả cho thấy, độ tuổi trung bình mắc ung thư là 53 tuổi; 57,7% bệnh nhân đã tốt nghiệp trung học nhưng có tới 25,3% bệnh nhân chưa từng đi học và chỉ học hết tiểu học; 34,86% bệnh nhân lao động trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp; 77,1% có bảo hiểm y tế.
Kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư rất thấp
Thống kê cho thấy, có 5 loại ung thư thường gặp là: ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư đầu cổ và ung thư phổi. Chỉ có 36,69% bệnh nhân trong nghiên cứu này chưa có di căn ở thời điểm mới chẩn đoán. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư…
Trao đổi với phóng viên, bên lề Hội thảo, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Viện Trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ưng thư Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ung thư gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng. Có 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản. Có từ 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại vi rút, thuốc trừ sâu, người làm việc trong môi trường độc hại cũng có nguy cơ mắc ung thư cao. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ung thư phổi ở nam giới tăng, ung thư vú ở nữ giới là phổ biến nhất, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.
PGS. TS Trần Văn Thuấn chia sẻ, hiện nay tại một số nước phát triển đã chữa khỏi được trên 80% các bệnh ung thư. Có được kết quả trên là nhờ các thành tựu trong phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư.
Tại Việt Nam, theo thống kê, có trên 70% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy mà hiệu quả điều trị không cao, kéo theo đó là thời gian điều trị và chi phí tăng cao. Do đó, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.
PGS. TS Trần Văn Thuấn khuyên, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp mắc ung thư sẽ được bác sĩ phát hiện và điều trị sớm. Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.
Hiện nay, cả nước có 6 bệnh viện chuyên khoa về ung thư. Bên cạnh đó, có 50 Trung tâm, đơn vị đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho người dân trên cả nước./ - (nguồn ĐCSVN)